Tai biến mạch máu não là nguyên nhân chính gây tử vong ở việt nam (21,7%), là nguyên nhân gây ra khuyết tật phức tạp thường gặp nhất ở người lớn trên thế giới.
1/Tai biến mạch máu não là gì?
- Tai biến mạch máu não(TBMMN) hay còn gọi là đột quỵ được định nghĩa là tình trạng chết tế bào não , tủy sống hoặc tế bào võng mạc do thiếu máu cục bộ. Điều này xảy ra khi lưu lượng máu đến cung cấp cho một phần của não bị ngưng trệ đột ngột dẫn đến thiếu oxy và glucose cung cấp cho não. Trong vòng vài phút các tế bào não bắt đầu chết dần và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
2/Phân loại và nguyên nhân TBMMN:
*Có 2 loại đột quỵ chính là đột quỵ nhồi máu não và đột quỵ xuất huyết não:
– Nhồi máu não:chiếm khoảng 85,1% tổng số các ca bị đột quỵ. Nguyên nhân do các cục máu đông từ mảng xơ vữa động mạch lớn ở trong và ngoài não(nguyên nhân phổ biến của đột quỵ não), huyết khối từ tim, bệnh mạch máu nhỏ ở não(thường liên quan đến tăng huyết áp)… làm tắc nghẽn động mạch, cản trở quá trình máu lưu thông lên não.
– Xuất huyết não:gồm xuất huyết trong não(8,3%) và xuất huyết khoang dưới nhện(5,4%).Nguyên nhân do tăng huyết áp(là yếu tố nguy cơ hàng đầu), dị dạng mạch máu não, sử dụng thuốc ngừa thai.
– Trường hợp không xác định nguyên nhân chiếm 1,2 %.
3/Yếu tố nguy cơ TBMMN:
- Bệnh nhân mắc bệnh tim mạch,tăng huyết áp hoặc đái tháo đường.
- Người thừa cân béo phì.
- Người có thói quen hút thuốc lá và uống nhiều rượu bia.
- Người bị rối loạn lipid máu(mỡ máu cao).
- Di truyền: tiền sử gia đình từng có người bị TBMMN.
- Lối sống tĩnh tại, ít vận động.
- Tuổi: đột quỵ xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuổi càng lớn nguy cơ đột quỵ càng cao.
- Giới tính: nam giới có nguy cơ đột quỵ cao hơn nữ giới.
- Người có tiền sử thiếu máu não thoáng qua.
4/Triệu chứng lâm sàng TBMMN:
- Tê tay chân hoặc yếu/liệt nửa người là khiếm khuyết vận động thường gặp nhất.
- Đau đầu đột ngột dữ dội không rõ nguyên nhân.
- Hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng.
- Nhầm lẫn, mất phương hướng.
- Có thể có buồn nôn, nôn mửa.
- Có thể có méo một bên mặt.
- Loạn ngôn, không biết mình nói gì, gặp khó khăn trong phát âm, tê lưỡi.
5/Dấu hiệu nhận biết sớm nguy cơ TBMMN bằng quy tắc BEFAST
- B-Balance(cân bằng): Đột nhiên gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng hoặc phối hợp cơ thể.
- E-Eye(mắt): mờ hoặc mất thị lực ở một hoặc hai bên mắt.
- F-Face(khuôn mặt): khuôn mặt có dấu hiệu mất cân đối khi cười, nếp gấp mũi và một bên mặt bị chảy xệ.
- A-Arm(cánh tay): cánh tay tê yếu có dấu hiệu bị liệt, không thể nhấc một bên tay hoặc cả hai tay.
- S-Speech(lời nói): nói lắp, nói không rõ ràng, nói khó, hoặc không nói được.
- T-Time(thời gian): nếu có 3 dấu hiệu trên cho thấy bệnh nhân có nguy cơ bị đột quỵ cần khẩn cấp gọi xe cấp cứu đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
*Sơ cứu tại nhà cho bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ:Gọi xe cấp cứu ngay khi bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ.
– Nếu bệnh nhân tỉnh
+ Đặt bệnh nhân ở vị trí thoải mái, nằm nghiêng về bên lành, đầu nâng lên nhẹ, đảm bảo đường thở được thông thoáng.
+ Trấn an bệnh nhân.
+ Không cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất cứ thứ gì.
+ Nới lỏng quần áo bệnh nhân.
+ Lau sạch mọi chất tiết ra khỏi miệng.
- Nếu bệnh nhân bất tỉnh:
+ Mở miệng và kiểm tra xem có dị vật không.
+ Kiểm tra đường thở: nghiêng đầu người bệnh ra sau bằng cách nâng cằm lên,nhìn xem ngực có phập phồng không, lắng nghe tiếng thở của bệnh nhân.Nếu bệnh nhân không thở ngay lập tức tiến hành hồi sức tim phổi(CPR).
- Cách thực hiện hồi sức tim phổi(CPR):Cho bệnh nhân nằm ngửa, quỳ bên cạnh bệnh nhân, hai bàn tay người thực hiện đan các ngón tay vào nhau đặt vào nửa dưới xương ức bệnh nhân; ấn ngực 30 lần, sau đó ngửa đầu ra sau nâng cằm lên bịt mũi lại thổi ngạt 2 lần. Tiếp tục xen kẽ giữa 30 lần ấn và 2 lần thổi ngạt cho đến khi bệnh nhân có dấu hiệu sống.
6/Chẩn đoán TBMMN:
Dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và thực hiện các cận lâm sàng sau:
- Siêu âm doppler thăm dò động mạch cảnh và đốt sống đoạn ngoài sọ
- Siêu âm doppler xuyên sọ.
- Chụp cắt lớp sọ não(CT scan-Coputed Tomographic scan).
- Chụp CT mạch máu não (CTA-Computed Tomographic Angiography).
- Chụp cộng hưởng từ(MRI-Magnetic resonance imaging).
7/Biến chứng sau TBMMN:người bệnh sau đột quỵ phải đối mặt với nhiều vấn đề khiếm khuyết thần kinh.
- Chức năng vận động:
+ Mất thăng bằng và mất khả năng điều hòa
+ Suy giảm khả năng đi bộ của chi dưới.
+ Suy giảm khả năng hoạt động chi trên.
+ Co cứng chi
- Chức năng cảm giác:
+ suy giảm cảm giác nông sâu:xúc giác, đau, nóng lạnh, độ rung, cảm nhận bản thân.
+ Thị giác:suy giảm thị lực(giảm khả năng nhìn).
+ Thính giác:đột quỵ có thể gây mất thính lực cấp tính(mất khả năng nghe).
- Chức năng ngôn ngữ: rối loạn ngôn ngữ
- Nhận thức và trí nhớ:
+ Suy giảm nhận thức và trí nhớ
+ Suy giảm khả năng giao tiếp: ảnh hưởng tiêu cực đến việc tham gia vào các hoạt động sống hằng ngày.
- Đau sau đột quỵ: đau khớp, đau cơ xương, đau đầu, đau vai…
- Khó nuốt:khó nuốt hoặc hít sặc có thể dẫn đến viêm phổi, suy dinh dưỡng, sụt cân làm giảm chất lượng cuộc sống.
- Rối loạn tiêu tiểu
+ Tiêu tiểu không tự chủ: trong thời gian nhập viện và giảm khi xuất viện.
+ Táo bón:do uống không đủ nước, chế độ dinh dưỡng, tác dụng phụ của thuốc, trầm cảm, thiếu tập thể dục.
- Rối loạn khác như: loét da, động kinh, loãng xương, trầm cảm, suy giảm chức năng tình dục…
8/Phòng ngừa TBMMN:
- Thay đổi lối sống:
+ Chế độ ăn uống lành mạnh: hạn chế muối (không quá 6g/ngày), ăn ít chất béo,ăn nhiều chất xơ bao gồm ăn nhiều trái cây, rau quả tươi và ngũ cốc nguyên hạt.
+ Hạn chế rượu bia, thuốc lá.
+ Tập thể dục thường xuyên: nên dành ít nhất 150 phút/tuần hoạt động cường độ vừa phải như đạp xe, đi bộ nhanh.
+ Ngủ đủ giấc( khoảng 7-8 giờ/ngày).
- Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ và các bệnh lý kèm theo như: tăng huyết áp, Rối loạn lipid(mỡ máu cao), đái tháo đường…
Để lại một bình luận