Hình ảnh hội chứng ống cổ tay
- Hội chứng ống cổ tay hay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ tay(Carpal tunnel syndrome-CTS), hội chứng chèn ép dây thần kinh giữa.Hội chứng này xảy ra khi đường hầm bị thu hẹp hoặc khi mô xung quanh gân gấp bị viêm gây áp lực lên dây thần kinh giữa và làm giảm lượng máu cung cấp cho dây thần kinh này dẫn đến tê, đau và yếu ở vùng thần kinh giữa chi phối.
- Đường hầm cổ tay là một lối đi hẹp ở cổ tay- mặt lòng bàn tay,được tạo thành từ xương và dây chằng cổ tay.
- Dây thần kinh giữa bắt nguồn từ đám rối thần kinh cánh tay, đi xuống cánh tay dọc theo động mạch cánh tay xuống cẳng tay, khi đến cổ tay thần kinh giữa đi trong ống cổ tay để xuống gan tay và chia ra các nhánh tận ở đó.Thần kinh giữa chi phối vận động của cơ lòng bàn tay, góc ngón cái , đồng thời chi phối cảm giác của ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và ½ ngón nhẫn.
NGUYÊN NHÂN GÂY RA HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY?
- Nguyên nhân vô căn(chưa rõ nguyên nhân) chiếm đa số, chủ yếu trên những đối tượng có các yếu tố nguy cơ gây hội chứng ống cổ tay như:
+ Di truyền:người có đường hầm cổ tay nhỏ hơn hoặc khác biệt về mặt giải phẫu có thể di truyền trong gia đình.
+ Nữ giới thường gặp hội chứng ống cổ tay hơn nam giới
+ Điều kiện lao động:một số công việc thường xuyên có tư thế cổ tay lặp đi lặp lại một động tác hoặc duy trì một tư thế cố định trong thời gian dài như nhắn tin, gõ bàn phím máy tính, chạy xe gắn máy nhiều…gây tăng áp lực trong ống cổ tay.
- Một số nguyên nhân thứ phát của hội chứng ống cổ tay:
+ Viêm khớp dạng thấp gây viêm các gân vùng cổ tay ảnh hưởng đến thần kinh giữa.
+ Đái tháo đường, bệnh tuyến giáp, suy thận…làm tổn thương thần kinh giữa.
+ Mang thai,mãn kinh:do tình trạng giữ nước làm tăng áp lực ống cổ tay, chèn ép dây thần kinh giữa.
+ Chấn thương:gãy xương, trật khớp làm thay đổi giải phẫu của ống cổ tay.
CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY?
- Tê,nóng rát,ngứa ran và đau ở vùng thần kinh giữa chi phối (ngón tay cái,trỏ,giữa và nửa mặt ngoài ngón nhẫn), các triệu chứng thường xuất hiện vào ban đêm,tăng khi vận động gấp cổ tay.
- Cảm giác yếu tay và dễ đánh rơi đồ vật có thể là do tê hoặc yếu cơ
- Cảm giác cứng khớp bàn ngón tay vào buổi sáng sau khi thức giấc.
- Nếu hội chứng ống cổ tay kéo dài, không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng mất cảm giác và mất chức năng vận động bàn tay(teo cơ gò mô cái,giảm cử động nhóm cơ gò cái và các động tác đối dạng ngón cái).
PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY?
*Khám lâm sàng:
Ngoài dựa vào các triệu chứng nêu trên ta làm thêm các nghiệm pháp sau:
- Tìm dấu hiệu Tinel trên dây thần kinh giữa ở cổ tay:dùng búa gõ phản xạ gõ trên ống tay ở tư thế duỗi cổ tay tối đa gây cảm giác đau hay tê giật lên ngón tay.
- Nghiệm pháp Phallen:khi người bệnh gấp cổ tay chủ động và giữ cẳng tay thẳng đứng trong 60 giây sẽ thấy tê các ngón tay hay gia tăng tê các ngón tay.
*Cận lâm sàng:
- Cận lâm sàng quan trọng là đo điện cơ (EMG) tay để xác định và đánh giá mức độ nặng của hội chứng ống cổ tay.
- Siêu âm cổ tay:có thể xem xét để xác định tình trạng tổn thương dây thần kinh giữa dựa vào kích thước thiết diện cắt ngang trên siêu âm.
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY?
*Phương pháp không dùng thuốc:
- Châm cứu:giúp giảm đau,giảm tê.
- Vật lý trị liệu:siêu âm, hồng ngoại, chườm lạnh xen kẽ chườm nóng vùng cổ tay
- Nẹp cổ tay:cố định cổ tay bằng nẹp ngay cả trong lúc ngủ để giảm hoặc ngừng tạo áp lực lên dây thần kinh giữa từ đó giúp giảm tê và đau.
- Thay đổi lối sống:cố gắng sắp xếp những khoảng nghỉ ngắn trong lúc làm việc để cổ tay được thư giãn; nếu có thể hạn chế các hoạt động lặp đi lặp lại ở cổ tay vì có thể làm bệnh trầm trọng hơn; tránh gối đầu lên tay khi ngủ.
*Phương pháp dùng thuốc:
- Thuốc kháng viêm giảm đau no-steroid(NSAIDs) hoặc các nhóm thuốc giảm đau thần kinh.
- Tiêm steroid vào ống cổ tay.
*Phương pháp phẫu thuật:
- Thường áp dụng khi các biện pháp điều trị nội khoa bảo tồn không đáp ứng,người bệnh vẫn còn đau tê và ảnh hưởng đến sinh hoạt.
- Mục đích phẫu thuật là để giải phóng thần kinh giữa.
- Có 2 loại phẫu thuật nội soi hoặc mổ hở.
MỘT SỐ BÀI TẬP CHO HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY?
*Bài tập 1:Căng ngón tay cái
- Dùng tay đối diện đẩy ngón tay cái về phía sau cho đến khi cảm giác căng.Lặp lại 5 lần.
*Bài tập 2:Căng cơ gấp cổ tay
- Duỗi thẳng một cánh tay ra phía trước,lòng bàn tay hướng lên trên, cong cổ tay hướng các ngón tay xuống dưới.
- Dùng tay còn lại uốn cong bàn tay về phía sau cho đến khi cảm giác căng ở vùng cổ tay, giữ lại khoảng 30 giây.Lặp lại 5 lần.
* Bài tập 3:Kéo dãn cổ tay
- Duỗi thẳng cánh tay ra phía trước,lòng bàn tay úp,cong cổ tay hướng các ngón tay lên trên.
- Dùng tay còn lại kéo các ngón tay và cổ tay về phía mình,giữ cánh tay và khuỷu tay thẳng.
- Giữ lại trong 15 giây rồi thả lỏng.Lặp lại 5 lần.
PHƯƠNG PHÁP PHÒNG NGỪA HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY?
- Hạn chế các cử động lặp đi lặp lại ở tay.
- Nếu tính chất công việc bắt buộc phải thực hiện các động tác lặp đi lặp lại thì cố gắng nghỉ giải lao ngắn thường xuyên nhất có thể hoặc ít nhất mỗi giờ một lần.Trong thời gian giải lao thực hiện bài tập giãn cơ(nắm tay lại,sau đó thả và duỗi các ngón tay xa nhất có thể, lặp lại động tác này 5-10 lần)
- Nếu làm việc văn phòng nên chỉnh bàn, ghế và bàn phím sao cho cẳng tay ngang với bề mặt.
- Đeo nẹp vào ban đêm để giữ cổ tay thẳng khi ngủ hoặc đeo nẹp khi thực hiện các động tác lặp đi lặp lại.
Để lại một bình luận