Cơ hình lê là một cơ của vùng mông nằm sâu tới cơ mông lớn,là cơ phẳng hình dáng giống quả lê,khởi phát từ bề mặt trước xương cùng(giữa S2 và S4) chạy qua xương chậu và chèn vào đầu xương đùi.Cơ hình lê hỗ trợ hầu hết mọi chuyển động của phần thân dưới.
Dây thần kinh tọa thường phân bố dọc phía dưới hoặc xuyên qua cơ hình lê.Dây thần kinh tọa (dây thần kinh dài nhất và lớn nhất của cơ thể)bắt đầu từ cột sống thắt lưng qua mông xuống đùi,cẳng chân và tận cùng ở ngón chân.
Hội chứng cơ hình lê xảy ra khi cơ hình lê chèn ép vào dây thần kinh tọa và dẫn đến viêm gây đau tê ở mông có thể lan xuống mặt sau chân một bên hoặc hai bên.
CÁC CHỨC NĂNG CHÍNH CỦA CƠ HÌNH LÊ
- Giúp xoay hông ra ngoài khi duỗi thẳng chân và dạng hông khi gập chân(uốn cong đầu gối).Những cử động này cho phép chân di chuyển sang một bên.Ví dụ:khi bước sang một bên từ tư thế đứng hoặc ra khỏi xe.
- Giúp ổn định khớp hông->duy trì sự cân bằng khi đi bộ.
NGUYÊN NHÂN GÂY RA HỘI CHỨNG CƠ HÌNH LÊ
Những tác nhân( viêm cơ hình lê hoặc các mô xung quanh,co thắt cơ bắp,sẹo trong cơ) làm cơ hình lê chèn ép vào dây thần kinh tọa đều gây ra hội chứng cơ hình lê,những nguyên nhân gây ra như:
- Chấn thương đột ngột hoặc lặp đi lặp lại đối với cơ hình lê dẫn đến co thắt,căng cứng hoăc tăng khối lượng cơ(phì đại cơ).
- Ngồi trong thời gian dài,các tư thế xấu(ngồi bắt chéo chân trong thời gian dài,dáng đi không đồng đều…)->căng cơ hình lê
- Thiếu khởi động trước khi vận động thể thao và giãn cơ sau đó.
- Tập thể dục quá sức hoặc thực hiện các động tác lặp đi lặp lại.
- Nâng đồ vật không đúng cách làm tổn thương cơ hình lê.
- Mang thai:Sự thay đổi cân nặng và tư thế khi mang thai-> căng cơ hình lê
TRIỆU CHỨNG HỘI CHỨNG CƠ HÌNH LÊ
Triệu chứng của hội chứng cơ hình lê là do cơ hình lê chèn ép vào dây thần kinh tọa gây ra.Vì vậy bao gồm các triệu chứng sau:
+ Đau âm ỉ hoặc tê,cảm giác như kim châm ở mông, lan xuống mặt sau đùi,bắp chân và bàn chân(đường đi của dây thần kinh tọa)
+ Đau tăng khi ngồi xuống đứng lên hoặc leo cầu thang
+ Có thể có đau lưng dưới (vùng S2-S4)
ĐIỀU TRỊ
*Điều trị dùng thuốc:
– Thuốc kháng viêm Non Steroid như:Aspirin,ibuprofen,naproxen…
– Tiêm corticoid
– Thuốc giãn cơ như:Baclofen,Cyclobenzaprine…
* Phương pháp không dùng thuốc:
– Châm cứu:giúp giảm đau, giảm viêm,giãn cơ,chống co thắt.
– Vật lý trị liệu:Hồng ngoại,điện xung,điện di ion…
– Các bài tập giúp tăng cường và kéo giãn cơ:Các bài tập tăng cường sức mạnh cơ giúp giảm đau cơ,cải thiện cân bằng và liên kết giữa các cơ mông,đùi,chân;ngăn ngừa tái phát.
+ Bài tập 1:Kéo giãn cơ hình lê
- Nằm ngửa,co hai đầu gối sao cho bàn chân đặt trên sàn
- Đặt bàn chân(phần mắt cá) của một chân lên đầu gối của chân kia
- Dùng 2 tay đan xen đặt phía sau đùi chân dưới và kéo đầu gối về phía ngực
- Giữ lại trong 30 giây,lặp lại 3-5 lần,thực hiện 3 lần/ngày.
+ Bài tập 2: Kéo giãn cơ gân kheo
- Bệnh nhân nằm ngửa,tay để dọc theo thân mình lòng bàn tay úp xuống sàn,gập hai gối sao cho lòng bàn chân chạm sàn.
- Bắt đầu hít vào nâng một chân lên tạo một góc khoảng 45 độ với sàn,giữ lại chân nâng khoảng 5-10 giây, thở ra hạ chân xuống về vị trí ban đầu.Lặp lại 10 lần,sau đó đổi chân.
+ Bài tập 3:Cây cầu
- Bệnh nhân nằm ngửa trên sàn ,gập hai đầu gối sao cho lòng bàn chân chạm sàn,cánh tay đặt dọc theo thân mình lòng bàn tay hướng vào nhau.
- Hít vào một hơi thật sâu,thở ra siết cơ mông và cơ bụng đồng thời nâng mông lên khỏi sàn,giữ lại 5-10 giây.
- Hít vào hạ mông xuống sàn.
- Lặp lại 10 lần.
Để lại một bình luận